Gần đây, tôi được mời nói chuyện về kỹ năng sống tại các trường phổ thông trung học. Tôi thường hỏi các em: “Học để làm gì?”. Số đông đều nói học để vào đại học, như bố mẹ em mong.
Tôi tham gia ban cố vấn cho chương trình “Sinh ra từ làng” nên tôi biết hàng trăm thanh niên nông dân trở thành triệu, tỷ phú ngay tại quê hương và sống rất hạnh phúc. Đâu phải tất cả đều cần vào đại học. Trong các chuyện đã chứng kiến, tôi thích nhất Mười Bơ – người đang góp phần thay đổi bộ mặt Tây Nguyên.
Mười Bơ là con thứ 10 trong gia đình nông dân nghèo ở xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 16 tuổi, không chịu nổi sự nghèo khổ bức bối, anh bỏ nhà ra đi lập thân.
Đó là buổi sáng ngày 25/5/1990, Mười trốn gia đình cuốc bộ tới ga Vinh. Mãi đến hai giờ chiều, cậu mới vượt qua được 40 km để leo lên tàu, không một đồng, bị nhân viên nhà tàu mắng nhiếc túi bụi. Mệt và đói, Mười thiếp đi ở sân ga Nha Trang. Đêm hôm ấy, Mười nằm mơ người anh là liệt sĩ hiện về: “Mày chỉ lo thân mày thôi à? Phải kiếm vùng nào đất tốt mà làm giàu để có thể nuôi được cả nhà chứ?”. Tỉnh dậy, cậu nhớ đến lời thầy giáo Địa lý đã giảng, chỉ có Tây Nguyên với đất bazan mầu mỡ là vùng đất tốt nhất. May sao, sáng hôm sau một bác lái xe tải tốt bụng cho cậu đi nhờ lên Buôn Mê Thuột.
Đến Buôn Mê Thuột, cậu cuốc bộ 40 km theo quốc lộ 26, nhặt quả bơ rụng ăn và ghé các quán xin nước lã. Mười liều lĩnh vào nhà bác nông dân Trịnh Văn Tải và kể hết ngọn nguồn. Bác nông dân cho Mười ở lại và hẹn hôm sau cùng ra đồng làm ruộng. Khi có việc khác, tiền công tháng 40.000 đồng, Mười gửi tất cả về cho mẹ. Lúc nhận thư Mười, cả nhà khóc vì tưởng cậu đã chết. Năm 1992, nghe tin bố mất, nhưng cậu cũng không có cách gì để về chịu tang.
Làm cho nhiều người, gặp cả những người không tốt, Mười tâm sự với tôi:
“Chính vì vậy mà con biết ơn, họ đã cho con quyết tâm phải vươn lên làm chủ đời mình”. Vào một buổi sáng đẹp trời, Mười từ biệt nơi làm thuê, bắt đầu hành trình đi thu gom quả bơ giao cho thương lái. Hai năm sau, duyên phận giúp Mười bén duyên với cô gái nghèo quê Quảng Nam. Hai vợ chồng cùng nhau đi mua bơ, dành dụm mua được chiếc xe máy Tàu giá 5 triệu đồng. Rồi mua được mảnh vườn 1,3 ha, họ trồng thử hạt của những trái bơ quý, nhưng thất bại. Mười tìm sách đọc và hiểu rằng phải nhân giống vô tính thì mới lưu giữ nguyên vẹn được tính di truyền. Thế là cậu lặn lội đến các gia đình có những cây bơ quý xin chiết cành đem về trồng.
Ông trời đã giúp những cây bơ giống quý mọc lên.
Đó là lúc Mười tiếp xúc được các nhà Sinh học để hỏi làm sao có được hàng vạn cây bơ có trái sai và ngon như vậy. Các nhà khoa học giải thích rằng “tính di truyền ở ngọn”, cứ chịu khó chăm sóc các cây bơ giống quý và ghép lên các cây non mọc từ các hạt bơ bình thường nhặt từ chợ về.
Đó là mở đầu cho một chặng đường dài. Mười tạo ra được hàng nghìn bầu bơ giống, lập trang web với thông tin phong phú và chính xác hơn tất cả giáo trình về bơ ở bậc đại học. Nhiều nông dân kể với tôi khi gặp mặt, giống Bơ Xuân Mười thật giá trị. Năm thứ 3 ra quả bói; năm thứ 4 cho 80-100 kg quả, năm thứ 5 cho 150-200 kg quả, và từ năm thứ 7 đến năm thứ 30 cho 250-300 kg quả mỗi cây.
Mười Bơ trở thành tỷ phú, được tuyên dương nông dân xuất sắc tỉnh Đăk Lắk, nông dân xuất sắc cả nước, được nhận danh hiệu “Sao Thần Nông” và bằng khen của Bộ trưởng Nông nghiệp.
Nhưng phát kiến đột xuất của Mười Bơ mới đáng kinh ngạc. Cậu nhận ra cây muồng – cây che bóng cho cà phê khắp Tây Nguyên hiện nay – không thu được gì. Cậu đưa ra sáng kiến: để che 1.000 cây cà phê bằng 200 cây bơ thay cho muồng thì riêng thu hoạch từ bơ còn cao hơn cà phê.
Mười Bơ đã bán cây bơ giống khắp Tây Nguyên. Nhưng các nhà khoa học không yên tâm. Bơ Việt Nam sẽ tràn ngập cả Tây Nguyên sau 5 năm nữa mà đây là giống chỉ bảo quản được vài ngày sau khi chín nên rất khó xuất khẩu. Khi cung vượt quá cầu thì tương lai không xa, liệu trái bơ có chung số phận với thanh long, vải, dưa hấu, củ cải và chờ giải cứu hay không?
Tôi biết Australia có giống bơ vừa sai trái, vừa ngon lại có thể bảo quản được cả tháng, tôi đưa Mười đi Australia. Được sự giúp đỡ của các giáo sư Đại học Victoria, Melbourne, Mười nhận được khá nhiều cành bơ Australia và ghép thành công lên giống bơ Việt Nam. Một triển vọng không thể không vui hơn là đến nay một giống bơ có đủ khả năng xuất khẩu đang từng bước lan khắp Tây Nguyên bên cạnh cây cà phê vô cùng quý giá.
Ông Steven Mashall – một chuyên gia người Australia – đã về thăm những cây bơ. Ông nói sẽ đứng ra liên kết xuất khẩu quả bơ và công nghệ chế biến tiên tiến nhất cho bơ Việt Nam.
Người ta gọi nông dân Trịnh Xuân Mười là “Vua Bơ”. Còn với tôi, Mười là một tấm gương vượt lên số phận để không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn góp phần làm giàu cho đông đảo bà con Tây Nguyên, tăng thêm ngoại tệ cho đất nước.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ mà tôi kể cho các em học sinh của mình nghe. Tôi cũng nói với các em, ở nước ngoài hiện nay người ta cho rằng “Học để trở thành người tự do”. Tự do tư tưởng chứ không bị áp đặt bởi người khác, tự do lựa chọn điều mình yêu, tự do kiến tạo nên mục tiêu của đời mình, tự do thức tỉnh theo những giấc mơ.
Nếu chỉ để tốt nghiệp trung học phổ thông, vào đại học đúng ý nguyện cha mẹ thì các em cần gì lao công khổ tứ học ngày đêm và tìm mọi cách học thêm, rồi còn lùng sách tham khảo để giải các loại bài tập, học các bài văn mẫu… Thật chẳng còn đâu đầu óc thanh thản của tuổi thanh xuân, và sức khoẻ nhiều em đã suy sụp vì học.
Một lái xe nói với tôi, em gái của anh ấy tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng chỉ mong muốn về quê dạy cấp hai thôi, vậy mà phải chạy 300 triệu đồng.
Khốn khổ, lương giáo viên khi nào mới trả xong món tiền đi vay chạy việc. Chúng ta không quên hiện nay có trên 200.000 cử nhân, kỹ sư không tìm được việc làm tương xứng với học lực. Nhiều em phải giấu bằng đại học đi thì mới được nhận làm công nhân. Không ít em đành khoác áo mũ lái xe ôm công nghệ. Nếu biết thế thì mất bốn năm đại học làm gì?
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 biết bao thách thức, nhất là ai cũng có thể thất nghiệp. Nhưng cũng tràn đầy cơ hội, nếu lớp thanh niên có ý chí phấn đấu, có sức khoẻ, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin. Họ không chỉ khởi nghiệp thành công trong nước mà còn có thể là những công dân toàn cầu, lập nghiệp ở khắp mọi nơi theo khuôn khổ của Hiệp định CPTPP.
Học để tự do! Chuyện của những người trẻ như Mười cũng là hạnh phúc lớn của tôi.
Nguồn: GS-NGND Nguyễn Lân Dũng trên trang VnExpress.net