TẦM NHÌN - SỨ MỆNH - MỤC TIÊU

1. Sứ mệnh

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có năng lực đào tạo đa ngành, đa cấp trình độ, mô hình đào tạo chất lượng cao; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; góp phần nâng cao chất lượng nhân lực cho phát triển, hội nhập quốc tế của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kinh tế – xã hội của vùng thủ đô và đất nước. Có năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn phát triển, hợp tác quốc tế cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của người học, doanh nghiệp và xã hội.

2. Tầm nhìn

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội là trường cao đẳng chất lượng cao, phấn đấu tiếp cận đào tạo trình độ quốc tế đối với các nghề trọng điểm, từng bước mở rộng đào tạo các nghề trọng điểm, nghề chất lượng cao; không ngừng cải tiến phương thức đào tạo, năng lực đào tạo phù hợp với sự phát triển trong giáo dục và nhu cầu phát triển của đất nước; là cơ sở giáo dục có uy tín trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có hệ thống quản trị hiện đại, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả và phát triển theo phương châm “Chất lượng – Hiệu quả – Nâng tầm – Hội nhập”.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nghề nghiệp, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội phấn đấu phát triển thành trường chất lượng cao nằm trong TOP 10 các trường cao đẳng chất lượng cao của Việt Nam, tiếp cận đào tạo trình độ quốc tế; phấn đấu là trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, tiến đến là trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, có uy tín trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có hệ thống quản trị hiện đại, có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực phát triển ngành nông nghiệp và PTNT, kinh tế – xã hội vùng thủ đô và đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể

  • Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong nước và quốc tế với các ngành, nghề đào tạo được nhà nước cho phép. Đồng thời các chương trình đào tạo có sự liên kết, liên thông chặt chẽ giữa các trình độ đào tạo từ sơ cấp, trung cấp lên trình độ cao đẳng, bên cạnh đó chủ động phối hợp với các trường đại học trong nước để kết nối tạo điều kiện cho sinh viên được hoàn thiện trình lên độ đại học.
  • Tập trung phát triển đào tạo các ngành, nghề đào tạo trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm áp dụng các chương trình, giáo trình đào tạo chuyển giao từ các nước tiên tiến trên thế giới vào đào tạo, tham gia thí điểm đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế;
  • Xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy/học tập, tài liệu đánh giá phù hợp chuẩn đầu ra; trang bị danh mục thiết bị đào tạo của các nghề dựa theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu quy định;
  • Tổ chức đào tạo linh hoạt, mở nhằm nâng cao chất lượng, đào tạo nghề gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội;
  • Đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm trong nước và quốc tế cho người học đáp ứng sự phát triển của ngành Nông nghiệp & PTNT và phát triển và đất nước;
  • Phát triển đội ngũ nhà giáo, đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng tiêu chuẩn giảng viên dạy chương trình chất lượng cao và chương trình chất lượng cao cấp độ quốc tế;
  • Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, đổi mới sáng tạo, tập trung đào tạo nhân lực lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.