A. TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP
1. Giới thiệu ngành/nghề
Kinh doanh thương mại và dịch vụ là một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đặc biệt tập trung vào việc mua bán hàng hóa và cung ứng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Về cơ bản, kinh doanh thương mại và dịch vụ được chia thành hai phần chính:
Thương mại: Đây là hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả nội địa và quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của thị trường. Hoạt động thương mại có thể bao gồm các khâu như sản xuất, phân phối, và bán lẻ, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Dịch vụ: Là các hoạt động cung ứng giá trị không vật chất, giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt hoặc sản xuất của khách hàng. Dịch vụ thương mại tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu không phải dưới dạng hàng hóa mà là thông qua các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, và chăm sóc khách hàng, bao gồm dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế, và công nghệ.
Phát triển thương mại dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và tăng thu nhập quốc gia, là lĩnh vực tiềm năng với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp.
Nghề “Kinh doanh Thương mại và dịch vụ” là nghề đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế, cung cấp nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh thuộc các loại hình doanh nghiệp có các hình thức sở hữu: doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân; quy mô: lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ; lĩnh vực: sản xuất, thương mại, dịch vụ, xây lắp.
Người hành nghề Kinh doanh thương mại và dịch vụ phải có sức khỏe, đạo đức nghề nghiệp, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc, có kiến thức về ngoại ngữ, tin học,…Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, mở rộng kiến thức xã hội; rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng; xây dựng ý thức nghề và sự say mê nghề nghiệp, có ý thức bảo vệ môi trường, năng lực sáng tạo, ứng dụng được khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 đáp ứng nhu cầu công việc.
Chương trình đào tạo trung cấp “Kinh doanh thương mại và dịch vụ” nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật có đủ phẩm chất và năng lực làm việc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Hoàn thành chương trình đào tạo, người học có khả năng: Thực hiện hầu hết các nghiệp vụ kinh doanh về thương mại dịch vụ ở mức độ đơn giản; vận dụng được những kiến thức kinh doanh thương mại, dịch vụ, kiến thức công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật vào công việc; ứng dụng các công nghệ vào nghiệp vụ của mình. Có đạo đức lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sức khỏe, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn; đồng thời có khả năng tự học, tự nghiên cứu tự bổ sung kiến thức theo yêu cầu công việc.
2. Kiến thức:
+ Trình bày được kiến thức về pháp luật, kinh tế, đặc biệt trong việc thực hiện các nhiệm vụ của nghề kinh doanh thương mại- dịch vụ;
+ Trình bày được các nội dung nghiệp vụ mua, bán hàng hóa;
+ Trình bày được hệ thống văn bản pháp luật về hợp đồng mua bán;
+ Mô tả được trình tự của quy trình kinh nghiên cứu thị trường khách hàng và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp thương mại;
+ Trình bày được phương pháp lập chứng từ và nghiệp vụ kho trong giao, nhận hàng hóa;
+ Trình bày được các bước chăm sóc khách hàng và hoạt động hậu mãi trong doanh nghiệp thương mại;
– Trình bày được những nghiệp vụ cơ bản trong các lĩnh vực: mua, dự trữ, bán hàng và phục vụ, chăm sóc khách hàng, marketing, thương mại điện tử và kinh doanh xuất nhập khẩu.
– Trình bày được nguyên tắc và phương pháp xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh thương mại.
+ Trình bày được phương pháp kiểm tra, đối chiếu, xử lý trong công tác kế toán;
+ Trình bày được các phương pháp lập chứng từ, thu thập, xử lý và lưu trữ các chừng từ, sổ sách trong kinh doanh; phương pháp lập báo cáo kinh doanh;
3. Kỹ năng:
+ Thiết lập được mối quan hệ với khách hàng, đối tác và các cơ quan quản lý chức năng;
+ Thực hiện được các công tác khai thác nhu cầu khách hàng. Xác định được nhu cầu mua hàng, dự trữ hàng hóa, hàng tồn kho thực tế trong doanh nghiệp thương mại.
+ Thực hiện được các công việc tạo nguồn hàng, mua hàng, giao nhận và bảo quản và bán hàng hóa.
+ Thực hiện được một số hoạt động dịch vụ, chăm sóc khách hàng trong kinh doanh thương mại.
+ Thực hiện được các giao dịch thương mại điện tử trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Phát hiện và xử lý được các tình huống thường gặp trong quá trình kinh doanh.
+ Báo cáo, đề xuất được các giải pháp kinh doanh đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp;
+ Sử dụng được các phần mềm phục vụ hoạt động quản trị doanh nghiệp cũng như các công việc khác;
+ Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 1/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn; Thích ứng với sự thay đổi trong thời kỳ công nghệ 4.0.
4. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
+ Có thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp đối với công việc được giao.
+ Có trách nhiệm trong công việc, trong sử dụng, bảo quản tài sản trong doanh nghiệp.
+ Có khả năng làm việc độc lập, hoặc làm việc nhóm hiệu quả
+ Tuân thủ các quy định của luật kế toán, tài chính, chịu trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ được giao;
+ Có ý thức tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường.
+ Có ý thức học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc; có khả năng tự tìm việc làm, tự tạo việc làm.
5. Vị trí việc làm:
– Kinh doanh, bán hàng; Kho, kiểm tra sản phẩm, giao nhận hàng.
– Nghiên cứu thị trường, quảng cáo, chăm sóc khách hàng, quan hệ công chúng.
– Tổ chức kinh doanh ở các doanh nghiệp thương mại.
– Quản lý, mua- bán hàng; Logistics, xuất nhập khẩu
6. Khối lượng kiến thức và thời gian khóa học
128 Tín chỉ, tương đương 03 năm đào tạo theo niên chế
7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ
Tự học hỏi và nghiên cứu, tìm hiểu trong môi trường làm việc để nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng trong tổ chức các hoạt động nghề nghiệp, đáp ứng đòi hỏi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiếp tục học ở các khóa đào tạo nâng cao hơn nhằm hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, tăng thêm năng lực tư duy đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân và xã hội.