Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi của thí sinh Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều thí sinh đạt điểm cao ở các khối thi đã đăng ký học nghề. Có khoảng 300 nghìn thí sinh không đặt bất kỳ một nguyện vọng xét tuyển đại học nào trên hệ thống xét tuyển của Bộ. Bức tranh tuyển sinh đã đa dạng hơn, đại học không còn là con đường duy nhất để tiến thân, lập nghiệp.
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Nhà nước ưu đãi học phí
Ngày 2/8 vừa qua, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) đã làm thủ tục nhập học đợt 1 đón các tân sinh viên Khóa 14 vào trường. Nhà trường rất tự hào khi có nhiều học sinh đạt điểm cao sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có thể đỗ vào nhiều trường đại học lớn trong cả nước nhưng lại lựa chọn học nghề tại HHT.
Với số điểm 28, Nguyễn Hữu Bình (tổ hợp xét tuyển C19), có thể đỗ vào nhiều trường đại học lớn nhưng em đã chọn ngã rẽ theo học ngành Công nghệ thông tin Khóa 14 tại HHT. Bình chia sẻ: “Những suy nghĩ trong lựa chọn ngành nghề của em đã thay đổi. Em được gia đình ủng hộ nên dù đỗ đại học, em vẫn quyết tâm học nghề. Em đã chọn HHT nơi có chất lượng đào tạo tốt, có nhiều doanh nghiệp lớn tuyển dụng việc làm ngay. Với em và gia đình, có việc ngay sau khi ra trường là điều thực tế nhất với các sinh viên”.
Giống như Bình, thay vì lựa chọn học đại học, Nguyễn Huy Nam dù đạt 26 điểm (tổ hợp xét tuyển C19) cũng đã chọn học nghề để “làm thợ”, chỉ đơn giản vì xác định ra trường được nhà trường cam kết việc làm. Huy Nam (tân sinh viên Khóa 14 nghề Cắt gọt kim loại cơ khí) chia sẻ: “Nhiều người quan niệm rằng, thợ cơ khí rất vất vả, môi trường độc hại và nhem nhuốc nhưng qua tìm hiểu, học ngành này tại trường HHT, chúng em đều được thực hành trên máy móc hiện đại và phải dùng tư duy để điều khiển máy. Khi ra trường, nghề này lại được thị trường lao động săn đón nên em đã quyết tâm theo học”.
Còn bạn gái Quách Thị Hiền đạt 25,25 điểm (tổ hợp xét tuyển C19) cũng đã chọn học nghề Chăm sóc sắc đẹp và trở thành tân sinh viên Khóa 14 HHT. “Em chọn học nghề cho thỏa đam mê cá nhân và sau này sớm tự chủ được kinh tế để giúp gia đình. Trước em, nhiều sinh viên học các nghề xã hội ra trường rất khó xin việc nên dù đỗ vào nhiều trường đại học em vẫn quyết tâm học nghề”.
Theo thống kê, hằng năm HHT đều hút gần 200 học sinh có phổ điểm từ 18 – 27 trong kỳ thi THPT vào học nghề. Đây là tín hiệu mừng đối với nhà trường và hệ thống Giáo dục nghề nghiệp. Đến thời điểm này, đã có 1.500 em nhập học (hệ cao đẳng: 600 em; hệ 9+ (THPT-cao đẳng) 440 em và 400 em theo học hệ sơ cấp, ngắn hạn).
Tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM), đến ngày 31/7 đã có khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nhập học. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và Hỗ trợ việc làm HCEM có kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh nhiều năm, đánh giá, quan điểm chỉ những bạn học sinh học kém, không đỗ đại học mới chọn trường nghề không còn đúng trong bối cảnh hiện nay. Có những bạn tham gia thi tốt nghiệp THPT điểm rất cao, đủ điều kiện học trường đại học tốp trên, nhưng vẫn chọn học cao đẳng bởi nhiều lý do: Rút ngắn thời gian học tập, chi phí được Nhà nước hỗ trợ, cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp…
Thí dụ, ba năm sau khi ra trường, một sinh viên cao đẳng học nghề cắt gọt kim loại thường có mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng. Ngành học này còn được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí. Để đào tạo cho sinh viên nghề cắt gọt kim loại đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các trường nghề hiện nay đẩy mạnh đầu tư máy CNC (máy sử dụng phổ biến trong các ngành gia công cơ khí, được điều khiển tự động hóa) vào chương trình thực hành. Quá trình sinh viên học trên máy móc hiện đại ở trường sát với công việc thực tế trong các doanh nghiệp, xưởng gia công cơ khí.
Thầy Dương Văn Cường, giảng viên khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ cho biết, hiện nay, nhiều người lo ngại rằng, cắt gọt kim loại là nghề nặng nhọc, độc hại. “Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các công việc liên quan đến cắt gọt kim loại đều đã được tự động hóa nhờ máy CNC. Các em chỉ cần sử dụng tư duy, kiến thức và kỹ năng nghề của mình để tính toán, “bấm nút” tạo ra sản phẩm mà ít phải vận động chân tay, nặng nhọc”, thầy Cường cho biết.
Các tân sinh viên K14 nhập học tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NHƯ AN
Lợi thế việc làm
Xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 vừa kết thúc, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, khoảng gần 300 nghìn thí sinh không tham gia xét tuyển đại học năm nay. Con số này chiếm gần một phần ba tổng số đã đăng ký. Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, trong đó có việc thí sinh chuyển hướng học nghề. Tuyển sinh nghề đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, với 2,48 triệu người tham gia.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Thương (HCEM) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp thường phối hợp các nhà trường xây dựng chương trình, đào tạo, đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên thực tập và tuyển dụng các bạn sau tốt nghiệp. Do đó, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của nhóm sinh viên này rất rộng mở. “Riêng với sinh viên theo học ngành kỹ thuật tại HCEM, sau khoảng 6 tháng ra trường, trên 98% có việc làm”, thạc sĩ Thương chia sẻ.
Cuối năm 2022, HCEM vừa khai trương Trung tâm đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng ô-tô tiêu chuẩn Nhật Bản. Dự án này sẽ đào tạo cho học viên muốn làm việc tại Nhật Bản và các giảng viên của HCEM những công nghệ bảo dưỡng ô-tô tiên tiến như hybrid và ô-tô điện của Nhật Bản. Việc tiếp thu kiến thức về xe hybrid sẽ giúp sinh viên tìm hiểu cấu tạo của động cơ xăng và xe điện. Chính vì vậy, các sinh viên của nhà trường sẽ tiếp thu được những công nghệ bảo dưỡng mới nhất, chủ yếu dành cho xe hybrid tại AT Group Nhật Bản và ngay cả khi về nước có thể làm việc tại nhiều đại lý ô-tô ở Việt Nam.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng HCEM cho biết, hợp tác với doanh nghiệp và được doanh nghiệp đánh giá, ghi nhận về chất lượng đào tạo nên các sinh viên HCEM đều có cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường. Việc nghiêm túc thực hiện kiểm định chất lượng đã giúp nhà trường tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Công ty ô-tô Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast, Công ty TNHH Denso Việt Nam, Công ty TNHH LG Display Việt Nam, Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc, Công ty IIG Việt Nam, Công ty Samsung Việt Nam… hợp tác rất chặt chẽ với HCEM về trang thiết bị, dụng cụ kỹ thuật, chương trình đào tạo, đào tạo giảng viên…
Còn tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), nhiều doanh nghiệp đã đến tuyển dụng lao động trước khi tốt nghiệp, với nhiều lựa chọn công việc và mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến cao. Một số doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí để được ưu tiên tuyển dụng lao động. Có doanh nghiệp, cựu sinh viên của HHT chiếm hơn 80% tổng số lao động. Hiện, tỷ lệ sinh viên HHT chiếm 86% có việc làm trước tốt nghiệp, 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp 3-6 tháng.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Hanwha Aero Enginees (Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc) và nhà trường đã liên kết đào tạo nghề cắt gọt kim loại. Ngoài ra, các Công ty như Daikin, PMC, PMTT group, Bình Minh, Panasonic, Samsung, Canon, Foxconn… luôn hỗ trợ học phí, tài trợ học bổng cho sinh viên để khuyến khích sinh viên, tuyển dụng sinh viên với mức lương khá cao 10-15 triệu đồng/tháng trở lên. Chương trình đào tạo bao gồm những môn học bắt buộc của nhà trường và những module do phía doanh nghiệp tự chọn.
Việc doanh nghiệp chịu toàn bộ chi phí đào tạo để sau 2-3 năm sẽ tuyển dụng được nguồn lao động đáp ứng đúng yêu cầu chính là giải pháp được phía doanh nghiệp/công ty đang thực hiện và hướng đến. Tính đến thời điểm hiện tại, hàng trăm sinh viên theo học chương trình này được “nhận lương” 2-3 triệu đồng/tháng (ngay trong quá trình đào tạo) và sau khi tốt nghiệp, được nhận vào làm việc ngay. Chính điều đó đã “hút” số lượng lớn thí sinh “chất lượng” đăng ký nhập học tại HHT.
Thực hiện: An Như