NGUYỄN VĂN TẤN VÀ HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC HUY CHƯƠNG VÀNG TẠI CUỘC THI KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC TẾ

Nguyễn Văn Tấn quyết định dừng việc học ở một trường đại học uy tín khi cậu đang là sinh viên năm 2 vì thấy khó tiếp nhận kiến thức lý thuyết khô khan, Tấn chuyển sang học cao đẳng. Tấn nhanh chóng trưởng thành trong ngành cơ điện tử và đoạt nhiều thành tích xuất sắc qua các cuộc thi kỹ năng nghề trong nước và quốc tế.

Nguyễn Văn Tấn (bên phải) và đồng đội tại cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021.

Nguyễn Văn Tấn (sinh năm 1998, Quế Võ, Bắc Ninh) hiện làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam. Năm 2020, Tấn và đồng đội đã đoạt giải Nhất nghề cơ điện tử tại Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11.

Năm 2021, chàng trai này tiếp tục đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương và đạt danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 12.

Nguyễn Văn Tấn 2 lần nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vì những thành tích xuất sắc đã đạt được trong các kỳ thi trên.

Nhìn lại hành trình đã qua, Tấn khẳng định: “Nếu không rời đại học để học cao đẳng, tôi không thể có kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm và thành quả như ngày hôm nay”.

Sốc vì kiến thức lý thuyết trên trường đại học

Cuối năm học lớp 12, Tấn cố gắng ôn thi đại học, quyết tâm đỗ vào ngành Cơ điện tử của một trường đại học uy tín theo định hướng của người thân trong gia đình.

Tham gia kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2016, Tấn đạt trên 21 điểm khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và trở thành tân sinh viên của ngôi trường này.

Vốn có hứng thú với việc lắp ráp máy móc ngay từ nhỏ nên khi đỗ vào đây, Tấn hào hứng với tương lai rộng mở phía trước.

Trước khi bỏ đại học sang cao đẳng, Nguyễn Văn Tấn đã suy nghĩ nhiều tháng liền. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, học kỳ đầu tiên ở trường đại học đã khiến Tấn không khỏi ngỡ ngàng: “Tôi thấy các môn lý luận vô cùng khó hiểu, dù đã cố gắng đọc giáo trình và lắng nghe giảng viên chia sẻ. Có những môn tôi phải thi lại mới mới qua, thậm chí phải học lại rất vất vả. Tại đây, 2-3 năm đầu sẽ học những môn lý luận đó rồi mới sang học chuyên ngành nên tôi bắt đầu suy nghĩ lại. Tôi muốn làm việc trực tiếp với máy móc, thỏa đam mê khám phá các cỗ máy của tôi”.

Chàng trai quê Bắc Ninh đã trăn trở nhiều tháng, đánh giá được – mất, lợi – hại của những lựa chọn rồi đưa ra quyết định táo bạo: dừng việc học tại trường đại học sang học cao đẳng.

Bố mẹ Tấn tôn trọng chọn lựa của con, ủng hộ Tấn theo đuổi lối đi được cho là phù hợp với bản thân. Trong khi bạn bè, họ hàng xung quanh thì khuyên chàng trai trẻ nên cố gắng tiếp tục chặng đường đại học – nơi mà nhiều người mơ ước. 

Chàng trai Nguyễn Văn Tấn vẫn kiên tâm với quyết định của mình và lựa chọn Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội để học tập, rèn luyện.

Hành trình “khổ luyện” để chinh phục các kỳ thi tay nghề của người thợ trẻ giỏi toàn quốc Nguyễn Văn Tấn

Xác định xuất phát điểm của bản thân chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, nên Tấn luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để học hỏi kiến thức và rèn nghề.

 

Nguyễn Văn Tấn lựa chọn các cuộc thi để học tập và rèn luyện tay nghề cho bản thân. Ảnh: NVCC

Mặc dù là tân sinh viên nhưng Tấn đã mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi chọn đội tuyển để tham gia kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia do nhà trường tổ chức. Vượt qua 18 thí sinh khác trong khoa, Tấn và một bạn học khác được chọn vào đội tuyển thi nghề cơ điện tử. Từ đây, hành trình ôn luyện cho kỳ thi cấp quốc gia của Nguyễn Văn Tấn chính thức bắt đầu.

“Chúng tôi được học cấp tốc các môn cơ sở ngành và chuyên ngành, phải đọc tài liệu nước ngoài nhiều, làm bài tập, thực hành trên máy móc của nhà trường. Chỗ nào chưa hiểu, tôi hỏi luôn thầy hướng dẫn. Nhờ đó, tôi và đồng đội tiếp thu kiến thức khá nhanh và dần hình thành kỹ năng”, Tấn nhớ lại.

Khoảng thời gian học lý thuyết nhanh chóng trôi qua, nhóm đến giai đoạn luyện đề đầy khó khăn. 

Nguyễn Văn Tấn kể: “Chúng tôi giải các đề bài của những năm trước, nhiệm vụ là lắp đặt các máy móc, dây chuyền sản xuất và thiết lập bộ xử lý của máy. Hầu như ngày nào nhóm cũng luyện tập từ 12-14 tiếng, nhiều khi ôn cả vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Trường có 2 đội tuyển, thầy huấn luyện nói với chúng tôi rằng, nếu không làm tốt, nhà trường chỉ lấy 1 đội tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia và sẽ lựa chọn dựa trên kết quả kiểm tra. Vì thế, mỗi ngày luyện tập như một ngày thi với tôi, lo lắng, căng thẳng vô cùng”.

Mỗi ngày ôn luyện, Tấn và các bạn xử lý 2-3 bài thi trong 12-14 tiếng. Ảnh: NVCC

Cơ điện tử là một ngành khó, quá trình luyện tập, ôn thi không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi nhóm phải lắp ráp vượt thời gian quy định của cuộc thi mới hoàn thành, có khi không thể thực hiện đề thi vì quá phức tạp, mới mẻ.

Cùng với đó áp lực cạnh tranh để giành suất đi thi  khiến nên không ít lần, Tấn và đồng đội cảm thấy chán nản, thất vọng về bản thân.

“Những hôm như vậy, chúng tôi xin phép thầy giáo cho nghỉ để ôn lại kiến thức, đọc tài liệu nước ngoài, cùng nhau tìm hướng xử lý đề bài đặt ra. Cuối ngày, tôi thường chạy bộ để giải tỏa tâm trạng. Tôi tự nhủ, tôi đã cân nhắc tự lựa chọn con đường của mình, tôi không thể thất bại được, Tấn bồi hồi kể lại.

Và khi “cá chép hóa rồng”

Chứng kiến bao nỗ lực và sự tiến bộ từng ngày của các đội thi, cuối cùng, ban huấn luyện quyết định cho cả hai đội tham gia Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11.

Sau khi đoạt giải Nhất Kỳ thi tay nghề quốc gia, Nguyễn Văn Tấn tiếp tục đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: NVCC

Bằng tài năng và bản lĩnh đã được tôi luyện, cả hai đội cùng đoạt giải cao nhất kỳ thi, đội của Tấn được chọn tham gia cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương.

Nguyễn Văn Tấn và đồng đội tiếp tục hành trình ôn luyện mới.

“Nhịp ôn luyện của chúng tôi vẫn tương tự, 12-14 tiếng mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Không còn đội để cạnh tranh trong lúc luyện tập, chúng tôi phải vượt qua chính mình. Đó là làm sao việc hoàn thành bài thi phải càng nhanh càng tốt. Trung bình mỗi bài thi, chúng tôi phải thực hiện lặp lại 4-5 lần để thông thạo kỹ năng, tìm phương án lắp đặt tối ưu và quan trọng nhất là cố gắng xử lý xong yêu cầu đề bài chỉ bằng một nửa thời gian tiêu chuẩn cho phép”.

 

Nguyễn Văn Tấn (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vì thành tích tại cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021. Ảnh: NVCC

Và rồi, kết quả mà Tấn cùng đồng đội đạt được cũng thật xứng đáng với những nỗ lực mà cả hai đã bỏ ra. Đội đã đoạt Huy chương Vàng của cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021.

Nguyễn Văn Tấn và đồng đội nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vì thành tích xuất sắc đã đạt được trong các kỳ thi trên.

Những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng có được đã mở ra cho cuộc đời của Nguyễn Văn Tấn nhiều cơ hội nghề nghiệp. Anh hiện làm ở bộ phận lập trình PLC cùng với các kỹ sư tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam. Ngoài giờ thời gian đi làm, Tấn cũng đang tham gia học ngành cơ điện tử tại một trường đại học ở Hà Nội. 

Nguyễn Văn Tấn luôn ghi nhớ nguyên tắc của bản thân: “Dù học đại học hay cao đẳng cũng phải luôn cố gắng trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho tốt. Quan trọng hơn hết là không ngừng nâng cấp bản thân, học tập suốt đời“.

Theo congdankhuyenhoc.vn

All in one