Đột phá đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Chú trọng hướng nghiệp và liên kết nhà trường – doanh nghiệp

QĐND – Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Những năm gần đây, mạng lưới cơ sở GDNN tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động, đào tạo nhiều lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đổi mới phân luồng đối tượng học nghề

Khác với sự lựa chọn của nhiều bạn bè là cố gắng thi vào đại học (ĐH), Nguyễn Ngọc Thắng (ở Ba Vì, Hà Nội) lại chọn con đường học nghề. Sau 18 tháng học nghề điện tử-điện lạnh, Thắng có việc làm ngay với mức thu nhập ban đầu 5,5 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau hơn 3 năm vừa làm, vừa tiếp tục học liên thông, Thắng đã có trình độ cao đẳng (CĐ) nghề, mức lương được tăng lên hơn 8 triệu đồng/tháng, chưa kể một số khoản thu nhập ngoài lương. Trong khi đó, nhiều bạn bè của Thắng vẫn loay hoay xin việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH.

Các em học sinh bậc THCS và THPT được xem là “lứa tuổi vàng” cho việc tìm ngành nghề để lập thân, lập nghiệp, nhưng lâu nay công tác hướng nghiệp, phân luồng học nghề với đối tượng này vẫn gặp không ít khó khăn. Tâm lý “chông chênh” khi chọn học nghề hay vào ĐH, CĐ còn khá phổ biến ở hầu hết lớp trẻ; trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình làm “thầy” hơn là làm “thợ”. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp, phân luồng đối tượng học nghề đặc biệt quan trọng trước các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT quốc gia, bởi không ít học sinh và gia đình rất băn khoăn giữa những “ngã rẽ” lập nghiệp.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)

Mục tiêu đến năm 2020, trung bình có 30% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề và năm 2025 đạt 40%, nhưng đến nay con số này vẫn khá khiêm tốn, mà một trong các nguyên nhân là có địa phương thực hiện việc phân luồng chưa tốt, công tác phân luồng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề khi phải tự tìm giải pháp tuyển sinh.

Sinh viên trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội thực hành nghề Cơ điện tử

Đại diện Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết:

Điểm nghẽn trong phân luồng đối tượng học nghề đang dần được tháo gỡ, khi Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH ngày 7-3-2019, quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp (TC), CĐ (thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2-3-2017).

Trước đây, nút thắt trong phân luồng đối tượng học nghề xuất phát chủ yếu từ việc liên thông giữa các trình độ đào tạo, ví như liên thông từ THCS lên CĐ, từ CĐ lên ĐH… Theo quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ vừa ban hành, người tốt nghiệp THCS cũng có thể đăng ký dự tuyển học liên thông lên CĐ nếu thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và có bằng tốt nghiệp trình độ TC.

Theo quy định,

Các trường CĐ không được dạy văn hóa bậc THPT mà việc này do các trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện. Việc học nghề một nơi, học văn hóa một nẻo khiến người học và các trường phải loay hoay tìm giải pháp để sao cho “vẹn cả đôi đường”. Qua tìm hiểu, được biết tại Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình phiên họp lần thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3-2019) có nội dung: Học sinh trong cơ sở GDNN được học kiến thức giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định này khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo thuận lợi cho người học, mở rộng cánh cửa liên thông cho người học nghề. Điều này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản công tác phân luồng đối tượng học nghề từ sớm, tạo ra sức hút lớn hơn với các trường nghề trong việc cạnh tranh với hình thức đào tạo trực tuyến, góp phần tăng tỷ lệ học nghề.

Tăng cường liên kết nhà trường-doanh nghiệp, hợp tác quốc tế

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở GDNN, trong đó có gần 400 trường CĐ, hơn 500 trường TC và 1.045 trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm 2018, các cơ sở GDNN đã tuyển mới 2,21 triệu người, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2,1 triệu người, trong đó trình độ CĐ và TC là 440.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1,66 triệu người.

Trung bình năm 2018 tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay ở mức rất cao, như: Trường CĐ kỹ nghệ II, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ nghề số 1, Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương II…

Năm 2019, các cơ sở GDNN phấn đấu tuyển sinh đạt 2,26 triệu người, trong đó, tuyển sinh trình độ CĐ và TC là 560.000 học sinh, sinh viên. Bộ LĐ-TB&XH cũng đặt mục tiêu học viên tốt nghiệp GDNN trong năm 2019 đạt khoảng 2,2 triệu người. Đây sẽ là nguồn cung chất lượng cho thị trường lao động, trong bối cảnh yêu cầu từ các DN về trình độ, tay nghề của người lao động ngày càng cao.

Những năm gần đây

Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH tích cực đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác với các nước chuyển giao chương trình đào tạo một số nghề hiện đại, hợp tác đào tạo giáo viên dạy nghề và thu được nhiều kết quả khả quan. Ví dụ, Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) được xem là đơn vị tiên phong trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Những năm gần đây, trường được Chính phủ Đan Mạch, Chính phủ Pháp đầu tư nhiều giáo trình đào tạo và thiết bị tiên tiến, cũng như hợp tác đào tạo đội ngũ giáo viên của trường theo chuẩn châu Âu.

Bà Đỗ Ngọc Minh Nguyệt, Trưởng ban Tuyển sinh và tư vấn việc làm của nhà trường cho biết: “Nhà trường hiện có 31 ngành nghề đào tạo, hầu hết được các DN đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đăng ký đặt hàng đào tạo hằng năm. Học sinh sau một năm học tại trường sẽ được đưa về DN học thực hành và được hưởng lương cơ bản. Với những học sinh chuyên ngành thiết bị ô tô, sau một năm đào tạo cơ bản tại trường sẽ được đưa sang Nhật Bản thực tập kỹ năng tại các nhà máy lắp ráp ô tô theo chương trình liên kết.

Nhà trường còn đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại Ba Lan, Romania… Riêng năm 2019, trường được Chính phủ Đức đầu tư hai ngành là bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí và vận hành thiết bị chế biến dầu khí”.

Theo các chuyên gia

Với nền kinh tế mở của Việt Nam trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là động lực phát triển của đất nước. Lao động giá rẻ, có trình độ, tay nghề thấp là lực cản khiến khó thu hút các DN có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hoạt động. Cùng với đó, để các DN giảm việc phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng, các cơ sở GDNN cần tăng cường liên kết với DN, đào tạo những ngành, nghề mà DN và thị trường cần, chứ không phải đào tạo những gì mình có.

Cần tăng cường liên kết với các quốc gia tiên tiến để chuyển giao chương trình dạy nghề theo chuẩn quốc tế. Tấm bằng học nghề TC, CĐ được đào tạo theo chương trình chuẩn quốc tế sẽ là những tấm “thẻ thông hành” giá trị để người học nghề lập thân, lập nghiệp, tăng cơ hội được làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài và có thể làm việc ở nước ngoài.

MINH MẠNH

Nguồn: https://www.qdnd.vn

All in one