Học nghề một triệu đồng/ tháng, làm việc ở châu Âu lương vài chục triệu đồng

(Dân trí) – Sau tốt nghiệp, người học công nghệ ô tô có việc làm ngay tại các hãng xe, gara trong nước hoặc được tạo điều kiện sang làm việc tại Nhật Bản, châu Âu. Mức lương lên đến vài chục triệu đồng/tháng.
Thăm xưởng thực hành nghề công nghệ ô tô (Video: Quang Trường).

Tại khu vực sửa chữa của xưởng thực hành, thầy Nguyễn Thất Tôn – Giảng viên khoa Động lực (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội) cho sinh viên nâng gầm ô tô. Thầy Tôn cùng học trò khom người dưới gầm xe, ngước mắt lên quan sát. Trong buổi học này, sinh viên được học về bảo dưỡng ô tô.

Bước đầu tiên, thầy Tôn hướng dẫn học trò kiểm tra sơ bộ bên ngoài chiếc ô tô, tiếp đến là khoang máy, nội thất để chẩn đoán tình trạng xe. Thầy yêu cầu một sinh viên nổ máy, sau đó dạy các em cách nghe tiếng nổ, quan sát để biết vấn đề của động cơ xe.

Thầy Tôn cho biết, bắt đầu từ năm học thứ hai, các em được đi sâu vào học chuyên môn của nghề công nghệ ô tô. Các môn đại cương, lý thuyết và các mô – đun cơ sở của nghề đã được sinh viên hoàn thành trong năm học thứ nhất.

Thầy Tôn đánh giá, do các em đã xác định theo nghề nên rất ngoan, chịu khó học hỏi. Thầy hướng dẫn xong, trò có thể làm được ngay.

Nghe thầy giảng bài xong, em Đặng Vũ Hải – Sinh viên năm hai, ngành Công nghệ ô tô thực hành kiểm tra vô lăng và nội thất trong xe. Hiện tại, Hải đã tự tin “khám bệnh” xung quanh xe, những chi tiết mặt ngoài và gầm xe.

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, nhà trường hiện đang đào tạo, cung cấp nhân lực cho nhiều hãng ô tô nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước.

Công nghệ ô tô là một trong những nghề nổi bật được nhà trường tập trung đầu tư ở cấp độ quốc tế. Nhà trường đã ký kết hợp tác với Nhật Bản và Đức để cùng đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước này.

Nhờ đó, sinh viên không chỉ được học cùng chuyên gia nước ngoài mà còn được học với giáo trình, cơ sở vật chất hiện đại của họ.

Bên cạnh lớp của thầy Tôn là khu vực kiểm tra, chẩn đoán, thầy Đinh Văn Nhì – Giảng viên khoa Động lực đang hướng dẫn nhóm sinh viên năm ba kiểm tra, điều chỉnh góc đặt bánh xe. Nội dung này nằm trong môn học hệ thống treo, di chuyển và hệ thống lái.

Một sinh viên trên ghế lái đang điều chỉnh bánh xe. Thầy Nhì cùng các sinh viên khác thiết lập và quan sát màn hình hiển thị của thiết bị kiểm tra góc đặt bánh xe, sau đó hướng dẫn, ra hiệu lệnh cho sinh viên đang thực hành.

Ông Lê Đức Triệu – Trưởng khoa Động lực, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, các thiết bị đào tạo của nhà trường được mua mới hoàn toàn từ các hãng xe nổi tiếng, đời mới.

Theo ông Triệu, cánh cổng việc làm của sinh viên ngành Công nghệ ô tô đang rất rộng mở. Hiện tại, số sinh viên mà nhà trường đào tạo ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp trong nước sẵn sàng nhận mỗi đợt hàng trăm sinh viên tốt nghiệp của nhà trường về làm việc.

Nhóm sinh viên đang thực hành một số nội dung thuộc môn cơ khí động cơ.

Hằng năm, khoảng thời gian trước kỳ sinh viên tốt nghiệp, nhà trường tổ chức ngày hội việc làm, các doanh nghiệp đến đặt hàng và phỏng vấn trực tiếp những em có nhu cầu về làm việc cho họ. Sinh viên tốt nghiệp xong có thể “xách ba lô” về các hãng xe hay các gara ô tô ngay.

Đặc biệt, nhà trường đang đào tạo kỹ thuật đồng sơn (kỹ thuật sửa chữa, lấy lại diện mạo, hình dáng và màu sơn ban đầu của một chi tiết trên xe hay toàn bộ xe) theo chuẩn Toyota. Các đại lý chính thức của hãng này tìm đến xin nhân sự liên tục nhưng nhà trường cũng không đủ để cung cấp.

Ông Triệu cho biết, lợi thế của trường là được các hãng xe đầu tư trong việc đào tạo. Một số nhà sản xuất xe như Toyota, Vinfast đã đặt trung tâm đào tại trường để trực tiếp đào tạo nhân lực cho họ. 

Thầy Bùi Duy Tùng – Giảng viên khoa Động lực hướng dẫn nhóm sinh viên rà xupap (bộ phận có nhiệm vụ đóng, mở các cửa nạp và cửa xả để nạp nhiên liệu và xả khí thải ô tô).

Thầy Tùng cho biết, các sinh viên này đã được học về nguyên lý làm việc, cấu tạo và chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trên ô tô. Học năm thứ hai, các em đã có thể đo, kiểm tra và sửa chữa trên động cơ đốt trong.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đào tạo song song hệ cao đẳng chất lượng cao và hệ chuẩn quốc gia. Mức học phí của hệ chuẩn quốc gia là 1,2 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Với hệ chất lượng cao, sinh viên được đào tạo về xe hybrid và xe điện, học phí là 2,5 triệu đồng/sinh viên/tháng. Tuy nhiên, nhà trường đồng thời tặng học bổng cho mỗi em 1 triệu đồng/tháng, như vậy, sinh viên chỉ phải đóng 1,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, nhà trường kết hợp với quỹ của Toyota đào tạo miễn phí toàn bộ cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, trường mở một lớp dưới 30 em. Những sinh viên này được tài trợ học phí và chỗ ở, chỉ phải lo tiền ăn uống, sinh hoạt. Sau tốt nghiệp, các em được gửi về đại lý của Toyota trên toàn quốc để làm việc.

Tại phòng học mô phỏng, thầy Tống Văn Hải – Giảng viên khoa Động lực đang trao đổi với sinh viên nội dung hệ thống khởi động trên ô tô. 

Phần mềm mà sinh viên đang học mô phỏng các chi tiết thật trên xe. Người học có thể thực hành sửa chữa các “bệnh” của ô tô ngay trên phần mềm.

Theo Trưởng khoa Động lực, 3 năm gần đây, suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về bằng cấp đã thoáng hơn. Có những em đạt hơn 28 điểm/tổ hợp theo điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn chọn học cao đẳng nghề công nghệ ô tô.

Hiệu trưởng nhà trường cam kết sau khi đào tạo xong, nếu nhà trường không sắp xếp được việc làm cho các em thì hiệu trưởng sẽ trả lại học phí.

Lớp học chất lượng cao về dòng xe hybrid do thầy Okamoto Mikihiro – Giảng viên AT School thuộc Tập đoàn Aichi Toyota trực tiếp giảng dạy. Một phiên dịch viên truyền đạt lại kiến thức bằng tiếng Việt cho sinh viên.

Tập đoàn Aichi Toyota đặt trung tâm đào tạo tại nhà trường, sinh viên nào đạt điều kiện sẽ được đưa sang tỉnh Aichi, Nhật Bản để làm việc.

Trừ sinh hoạt phí, mỗi em có thể dư ra khoảng 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi năm, các em được thưởng 30 triệu đồng. Sau 5 năm tại Nhật Bản, nếu em nào muốn về nước làm việc thì sẽ được nhận 180 triệu đồng để mang về.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, những năm gần đây, thị trường ô tô của Việt Nam đang rất “nóng” bởi sự xuất hiện dòng xe hybrid (xe sử dụng cả động cơ xăng và động cơ điện) và xe điện.

Cam kết của Việt Nam với quốc tế là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chắc chắn dòng xe ô tô truyền thống sẽ dần được thay thế bằng các loại xe tiêu thụ ít năng lượng, ít tác hại cho môi trường. Vì vậy, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa và các dịch vụ kèm theo đối với xe hybrid và xe điện sẽ rất lớn.

“Vì vậy, chúng tôi đã hợp tác với các doanh nghiệp của Nhật Bản và Đức để đào tạo các kỹ thuật viên sửa chữa và làm chủ dòng xe hybrid và xe điện. Nguồn nhân lực này không chỉ được cung cấp cho thị trường Việt Nam mà còn được xuất ngoại, làm việc tại Nhật Bản hoặc các nước châu Âu.

Làm việc tại đây, các em được hưởng đầy đủ chế độ lương, thưởng và phúc lợi xã hội như người bản địa”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết.

Nguồn: Dân trí
Thực hiện Quang Trường.

All in one